Projects Information
Mục tiêu & bối cảnh chương trình
Theo Báo cáo An ninh mạng 2024 của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, có tới 46,15% cơ quan, tổ chức tại Việt Nam từng bị tấn công mạng trong năm qua. Đáng lo ngại, 6,77% trong số đó phải đối mặt với các cuộc tấn công lặp đi lặp lại, xảy ra nhiều lần trong năm. Tổng cộng đã ghi nhận hơn 659.000 vụ tấn công, trong đó có hơn 74.000 cảnh báo ở mức nghiêm trọng. Những con số này cho thấy mức độ nguy cấp của việc nâng cao nhận thức và năng lực bảo đảm an toàn thông tin.
An toàn thông tin đang trở thành yếu tố sống còn với doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số. Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chủ động ứng phó với các rủi ro trên không gian số, CRC phối hợp cùng RMIT triển khai chương trình đào tạo chuyên sâu về an toàn thông tin. Chương trình kéo dài 1 ngày, được tài trợ 100% học phí bởi CRC, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.
Học viên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng thực tiễn và tư duy chủ động về an toàn thông tin, từ đó trở thành những “đại sứ” lan tỏa văn hóa an toàn số trong nội bộ doanh nghiệp.


Trong chương trình đào tạo, học viên được tiếp cận kiến thức về an toàn thông tin và an toàn mạng một cách hệ thống, thực tiễn và dễ ứng dụng, bao gồm:
- Hiểu đúng và đủ các khái niệm cốt lõi: an toàn thông tin, bảo mật mạng, tài sản thông tin, cùng những mối đe dọa phổ biến hiện nay.
- Tìm hiểu mô hình bảo mật CIA(Confidentiality – Integrity – Availability) và cách áp dụng vào việc đánh giá mức độ an toàn của hệ thống thông tin.
- Phân tích các rủi ro thường gặpnhư mã độc, lừa đảo qua email/tin nhắn, botnet, tấn công phi kỹ thuật (social engineering)… với các ví dụ điển hình từ các sự cố thực tế tại ONUS, VNDirect.
- Nhận diện vai trò then chốt của con ngườitrong hệ thống bảo mật – từ hành vi, nhận thức đến trách nhiệm trong quy trình an toàn thông tin của tổ chức.
- Cập nhật các biện pháp kỹ thuật và tổ chức cần thiết: quản lý truy cập, bảo mật thiết bị đầu cuối, xác thực đa yếu tố (MFA), tổ chức đào tạo định kỳ...
- Thực hành Chiến lược Tám Biện pháp Thiết yếu (Essential Eight)do chính phủ Úc khuyến nghị, nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau sự cố an ninh mạng.
Đối tượng học viên: Đa dạng lĩnh vực, chung một mối quan tâm
Chương trình thu hút hơn 25 học viên là lãnh đạo, chuyên viên công nghệ, chuyển đổi số, tài chính, truyền thông đến từ nhiều tổ chức như: VPBank, Chứng khoán VPBank, Công ty cổ phần Tập đoàn STP, Công ty TNHH CDS & DMST Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ Hợp tác - Công ty TNHH VIETTEL CHT, Công ty CP Truyền thông sáng tạo MAI...

Chuyên gia dẫn dắt chương trình
Khóa học vinh dự có sự góp mặt của hai chuyên gia quốc tế đến từ Đại học RMIT:
🔹 Mr. Chathura Abeydeera – Chủ tịch Hội đồng quản trị CREST Australasia
Chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm về an toàn tấn công và phản ứng sự cố. Ông từng giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại KPMG và Deloitte, là Kiểm thử viên được chứng nhận CREST và hiện là Chủ tịch của CREST Australasia.
🔹 TS. Akanksha Saini – Giảng viên RMIT
Chuyên gia nghiên cứu về an ninh mạng và công nghệ mới. TS. Saini là thành viên tích cực của Trung tâm nghiên cứu An toàn thông tin RMIT, đồng thời là cố vấn an ninh mạng cho chính phủ và các tổ chức quốc phòng.

Nội dung chương trình: Thiết thực – Cập nhật – Đa chiều
Khóa đào tạo tập trung vào 5 chủ đề chính:
1. Tổng quan về an toàn thông tin & các mối đe dọa mới
2. Hiểu và phòng chống rủi ro mạng trong tổ chức
3. Nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng vệ cá nhân và tổ chức
4. Ứng phó và khắc phục sự cố an ninh mạng
5. Xây dựng văn hóa an toàn không gian mạng trong doanh nghiệp
Trao đổi & nhận phản hồi trực tiếp từ chuyên gia
Một điểm nhấn đặc biệt của chương trình năm nay là phần tương tác trực tiếp giữa học viên và chuyên gia quốc tế. Các học viên không chỉ lắng nghe chia sẻ mà còn đặt câu hỏi, trình bày tình huống thực tế đang gặp phải trong doanh nghiệp mình, từ đó nhận được phản hồi, tư vấn cụ thể từ chuyên gia ngay tại lớp học.
Thông qua các phiên thảo luận mở và hoạt động nhóm ngắn, chương trình đã tạo không gian đối thoại đa chiều, giúp học viên tiếp cận các cách tiếp cận và giải pháp thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, từ chính các chuyên gia giàu kinh nghiệm quốc tế.



“Đại sứ An toàn thông tin” không chỉ là một khóa học, mà là lời cam kết đồng hành từ CRC và RMIT trong việc nâng cao năng lực số, bảo vệ tài sản số và phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại số.